Doanh số xe gầm cao chiếm thế thượng phong
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Tập đoàn Thành Công, doanh số cộng dồn của các dòng xe crossover vượt hơn 10.000 sản phẩm, gấp đôi so với con số hơn 5.000 xe sedan bán ra và xấp xỉ 2.000 xe bán tải được giao tới tay khách hàng Việt trong tháng 3 vừa qua.
Bên cạnh một số thương hiệu không công bố kết quả kinh doanh như Nissan, VinFast, Skoda và các thương hiệu Trung Quốc; người tiêu dùng đã có thể hình dung khá rõ về bức tranh tổng thể của thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 3/2024, thông qua số liệu của hầu hết các thương hiệu phổ thông như: Ford, Honda, Hyundai, Isuzu, Kia, Mazda, Mitsubishi, Suzuki và Toyota.
Cụ thể, theo thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Tập đoàn Thành Công, trong tháng 3 vừa qua thị trường nước ta tiêu thụ 10.171* chiếc xe gầm cao. Trong khi đó con số này ở phân khúc sedan là 5.313* xe.
Phân khúc bán tải ghi nhận 1.802* chiếc xe được giao đến tay khách hàng; trong khi đó doanh số ở phân khúc xe MPV đa dụng là 4.883* đơn vị sản phẩm được bán ra. Nhìn vào những con số sơ kết trên đây, có thể thấy rõ ràng phân khúc gầm cao với những chiếc Crossover/SUV hiện vẫn tiếp tục là "mỏ vàng" để tất cả các thương hiệu phổ thông tập trung khai thác.
So sánh cơ học, con số hơn 10.000 xe gầm cao gấp đôi so với con số hơn 5.000 xe của phân khúc sedan và gần 5.000 xe ở phân khúc MPV đa dụng. Thậm chí gấp tới hơn 500% so với phân khúc xe bán tải.
Số lượng các mẫu xe du lịch gầm cao cũng vượt trội với hơn 28* cái tên và hầu như thương hiệu nào cũng có sản phẩm Crossover hoặc SUV. Cá biệt có thể kể tới Ford - thương hiệu xe Mỹ chỉ kinh doanh xe gầm cao và bán tải, hoàn toàn bỏ qua phân khúc MPV và sedan gầm thấp.
Đây cũng là xu hướng chung của thị trường ô tô toàn cầu. Lối sống hiện đại và độ tuổi của khách hàng mua xe ngày càng trẻ hóa, khiến những chiếc xe đa dụng đa địa hình lên ngôi. Trong đó, phân khúc SUV hạng B và SUV hạng C vẫn là sân chơi tập trung nhiều cái tên nhất và mức độ cạnh tranh cũng gay gắt nhất.
Những mẫu SUV hạng B có mức giá phổ biến từ 600 - 750 triệu đồng. Các sản phẩm thuộc phân khúc này hầu hết đều được trang bị động cơ 1.5L đi cùng hộp số CVT và hệ thống treo trước McPherson, treo sau dầm xoắn; trục cơ sở khoảng trên 2,6 m. Mức giá hợp lý với số đông, thiết kế trẻ trung bắt mắt và danh sách tiện ích đầy đủ, là những lý do để 4.079* chiếc SUV cỡ B thuyết phục được khách hàng ký hợp đồng mua xe trong tháng 3 vừa qua, tức chiếm tới hơn 40% thị phần xe gầm cao.
Trong phân khúc này, Mitsubishi XForce là tân binh gây nhiều ấn tượng, bởi doanh số đạt 1.334 xe ngay trong tháng đầu tiên bàn giao tới tay khách hàng. Điều này khá dễ hiểu bởi thực chất đây là những hợp đồng đặt cọc được dồn lại từ cách đây gần 1 năm. Phải từ tháng 4 trở đi, người tiêu dùng mới có thể quan sát chính xác nhất về doanh số của mẫu crossover Nhật Bản này.
Tuy nhiên không thể phủ nhận XForce là một cái tên rất hấp dẫn trong phân khúc, bên cạnh Honda HR-V (709 xe giao khách) và Toyota Yaris Cross (702 xe bán ra).
Định vị cao hơn một chút, phân khúc Crossover hạng C - với cấu hình cơ bản gồm động cơ 2.0L, treo sau đa điểm và trục cơ sở vượt mức 2,7m và tầm giá trải rộng từ 750 đến hơn 900 triệu đồng - tiếp tục ghi nhận thành tích đáng nể của Mazda CX-5 với 912 xe bàn giao tới tay khách hàng. Bên cạnh đó, Honda CR-V (694 xe giao khách) và Ford Territory (612 sản phẩm bán ra) cũng là những cái tên rất đáng chú ý.
Trong khi đó, phân khúc sedan vẫn chỉ tập trung ở hạng B, với những cái tên khá quen mặt như Honda City, Hyundai Accent hay Toyota Vios (doanh số lần lượt đạt 1.043, 967 và 934 xe). Đây là những phương tiện di chuyển phù hợp với nhóm khách hàng lần đầu mua xe, phục vụ gia đình hoặc nhất là đầu tư kinh doanh dịch vụ vận tải (taxi, xe công nghệ); với động cơ nhỏ, trang bị tiện ích vừa phải và mức giá chỉ khoảng 500 - 600 triệu đồng.
Sôi động không kém phân khúc xe sedan, là những mẫu MPV 7 chỗ đa dụng với ưu điểm là rộng rãi nhiều chỗ ngồi, sức mạnh cũng như trang bị tiện ích vừa đủ và đặc biệt là mức giá dễ tiếp cận chỉ từ 500 - 700 triệu đồng.
Do phù hợp với cả nhóm người dùng gia đình nhiều thành viên cũng như khách hàng kinh doanh dịch vụ, phân khúc này ghi nhận sự vượt trội của Mitsubishi Xpander - với 1.582 xe giao khách, vượt rất xa mẫu xe xếp ở vị trí thứ hai là Suzuki XL7 với doanh số 677 sản phẩm.
Ngoài ra, phân khúc bán tải cũng gần như là "sân chơi một người" với sự "thống trị doanh số" của Ford Ranger. Thành tích 1.539 xe bán ra trong tháng qua tương đương tới hơn 80% thị phần xe bán tải tại Việt Nam, chứng tỏ mức độ phổ biến của những chiếc xe bán tải Mỹ so với các đối thủ Nhật Bản.
Nhìn ra xa hơn, bức tranh tổng thể thị trường ghi nhận mức sụt giảm doanh số 13% so với cùng kì năm ngoái (dù 2023 là một năm tăng trưởng âm đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam) và tăng trưởng 144% so với tháng liền trước chứng tỏ; thị trường đã có những tín hiệu tích cực sau dịp Tết nguyên đán, nhưng vẫn chưa thể phục hồi ngay lập tức.
(Nguồn: https://vov.vn/o-to-xe-may/o-to/xu-huong-thi-truong-o-to-thang-3-doanh-so-xe-gam-cao-van-chiem-the-thuong-phong-post1089571.vov )
xe mới về
-
Ford Everest Titanium 2.2L 4x2 AT
745 Triệu
-
Mazda 3 1.5L Luxury
585 Triệu
-
Mazda 2 Luxury
435 Triệu
-
Hyundai Accent 1.4 AT Đặc Biệt
478 Triệu
-
Mazda 3 1.5L Sport Premium
630 Triệu
-
Ford Ranger Wildtrak 2.0L 4x4 AT
855 Triệu
tin khác
- Chọn Toyota Vios MT hay Hyundai i10 sedan AT?
- Những mẫu SUV 3 hàng ghế sang trọng nhỏ gọn
- Ra mắt Hyundai Stargazer 2024, giá từ 489 triệu
- Loạt xe mới sắp được công bố giá bán tại Việt Nam
- Hyundai Santa Fe giảm giá mạnh lên tới 100 triệu đồng
- Loạt sedan cỡ D đang giảm giá cực mạnh
- Giá xe Mazda CX-5 kèm ưu đãi mới nhất tháng 04/2024
- 5 mẫu SUV, Crossover đô thị được người Việt ưa chọn mua nhiều nhất
- Kia Seltos 2024 bản facelift ra mắt
- Toyota Yaris Cross , mẫu xe mới của giới trẻ